Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Bệnh lang ben và những điều bạn cần biết

Bệnh lang ben là một bệnh da liễu phổ biến do chủng nấm Pityrosporum Orbiculaire gây nên, đây là một loại chủng nấm ưa lipit và thường khu trú ở những nơi có nhiều tuyến bã nhờn. Lang ben có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là lứa tuổi dậy thì và thanh niên từ 20 đến 25 tuổi. Đây là một loại nấm da lành tính chỉ có triệu chứng ngứa nhẹ nhưng không đáng kể tuy nhiên bệnh lang ben có thể biến đổi sắc tố da thành những đốm trắng rất mất thẩm mỹ vì thế nếu không được điều trị kịp thời bệnh có nguy cơ lan rộng ra toàn thân. Việc điều trị bệnh lang ben không phức tạp như những bệnh da liễu khác, sau đây chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin về bệnh lang ben và cách chữa trị

Nguyên nhân gây bệnh lang ben

Về nguyên nhân gây lang ben, theo bác sĩ Lê Quang Lộc nguyên trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Xanh - Pôn cho rằng con người có 3 loại da: da dầu (nhiều kiềm), da thông thường và da khô (nhiều axit). Trong 3 loại da này, những người thuộc da dầu dễ bị các loại nấm tấn công nhất.

Thêm vào đó, môi trường, nhất là những nơi môi trường ô nhiễm và người lao động đồng áng dễ bị nhiễm nấm nhất. Bệnh có yếu tố di truyền.

"Bệnh lang ben xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân chính là do cơ địa da của từng người và môi trường sống. Tuy nhiên, trong độ tuổi dậy thì, có vẻ bệnh này nhiều hơn, có người còn gọi đây là bệnh của tuổi dậy thì vì vào độ tuổi này cơ thể đang có những thay đổi từ trẻ em thành người trưởng thành, sức đề kháng kém hơn", bác sĩ Lộc giải thích.

Bệnh lang ben thường gặp ở tuổi dậy thì


Bước vào tuổi dậy thì, lượng mồ hôi tiết ra nhiều, các em mới lớn chưa biết vệ sinh cơ thể cẩn thận, lại hay dùng các loại mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm khiến sức đề kháng kém đi. Vì thế bệnh có vẻ nhiều hơn trong độ tuổi này.

Bệnh lang ben không gây tổn thương viêm loét cho da hay biến chứng gì nguy hiểm, chỉ có điều màu da có những chấm trắng, nâu, đỏ... khiến người bị bệnh ngượng ngùng, giảm chất lượng cuộc sống. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh sẽ lây lan ra nhiều nơi trên cơ thể. Nhất là mùa hè sắp đến, khi đi ra nắng, bệnh sẽ gây ngứa ngáy, khó chịu. Loại nấm gây lang ben ngăn cản sự hấp thu tia cực tím nên càng ra nắng thì các đốm càng sậm màu hơn.

Các triệu chứng bệnh lang ben thường gặp

Bệnh lang ben thường không có triệu chứng, ngứa nhẹ có thể gặp, bệnh nhân thường đến gặp bác sĩ vì lý do thẩm mỹ.

Tổn thương bắt đầu bằng những chấm nhỏ, đồng chất, hơi gồ hoặc phẳng với mặt da, giới hạn rõ, màu sắc da thay đổi: trắng, hồng hoặc hơi nâu; màu trắng thường hay gặp do nấm sản xuất men dicarboxilase ( acid azelaic) ức chế sự hình thành melanine, bề mặt tổn thương bao phủ bởi lớp vảy mịn, dễ tách, không dính, tiến triển ly tâm, có thể lan rộng rất lớn nếu không được điều trị.

Lang ben có thể gặp trên toàn bộ bề mặt da, trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân. Nhưng thường gặp ở ngực, cổ và lưng.

Bệnh lang ben được chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng, trong trường hợp khó có thể chẩn đoán dựa vào cận lâm sàng:

– Thử nghiệm KOH: tìm được các tế bào hạt men tụ tập thành chum như chum nho, sợi nấm ngắn và thô.

– Dấu hiệu vỏ bào: cạo vỏ bằng ngón tay, da bong vảy ra, để lại lớp thượng bì bên dưới bình thường.

– Khám nghiệm ánh sáng Wood: tổn thương sẽ có màu vàng xanh.

– Cấy nấm: thường ít được sử dụng .


Điều trị bệnh lang ben

Điều trị tại chỗ:

Có thể dùng một trong các loại thuốc chữa lang ben hiệu quả sau

– Hydroxyt de selenium ( Selsun): Bôi hằng ngày trong một tuần hoặc 3 ngày trong một tuần.

– Imidazoles: 2 lần bôi trong tuần, dùng trong 3 tuần.

– Ketoconazole: 2 lần/ tuần/ tháng

– Ciclopiroxolamin: 2 lần/ ngày/ 3 tuần.

– Terbinafin: 1 lần/ ngày/2 tuần.



Điều trị toàn thân

Được chỉ định cho trường hợp bệnh có tổn thương lan rộng hoặc hay tái phát.

Ketoconazole, dạng viên 200mg

– Dùng liều duy nhất 400mg

– Dùng liều hàng ngày 200mg/ 10 ngày

– Dùng liều duy trì 400mg, dùng mỗi tháng để tránh tái phát.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét